UBND HUYỆN GIA LỘC
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 3,133,214 (Hôm nay: 160 online: 02) Toàn huyện: 169,069,330 (Hôm nay: 369 online: 145) Đăng nhập

 

           Để giúp cho các thầy cô giáo và các em học sinh có thêm tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, Thư viện Trường Tiểu học Nhật Tân xin cung cấp một số tư liệu, thông tin về các anh hùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến; các danh tướng, danh nhân có công với đất nước và một số địa danh lịch sử để thầy cô và các em cùng tham khảo.     

 

TƯ LIỆU PHỤC VỤ CHO GIẢNG DẠY LỊCH SỬ, GIÁO DỤC

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG VÀ CÔNG TÁC ĐỘI TRONG NHÀ TRƯỜNG

 

I. CÁC ANH HÙNG DÂN TỘC

    1. Anh hùng Lý Tự Trọng

      Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng còn được gọi là Lê Văn Trọng hay Huy. Quê gốc ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Sinh năm 1914 và lớn lên ở Thái Lan, gửi làm con nuôi. Đầu mùa hè năm 1926, Lê Hữu Trọng lúc đó mới 11 tuổi là một trong số các thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.

        Qua thử thách trong đấu tranh thực tiễn, 8 học sinh Việt Nam đều lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Lý Tự Trọng là người đoàn viên thứ tám do đến năm 1929, Trọng mới đủ 15 tuổi. Một trong những đoàn viên đầu tiên. Được xác định là thành viên ưu tú để đào tạo làm nguồn nhân lực chủ chốt cho cách mạng.

        Năm 1931, Lý Tự Trọng ám sát viên thanh tra mật thám Pháp Legrand, bị bắt và hi sinh khi mới 17 tuổi

         Người đoàn viên thanh niên Lý Tự Trọng (1914 - 1931) với câu nói đanh thép trước tòa án Pháp: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác", chính là biểu tượng sinh động của thanh niên Việt Nam trên con dường dấn thân cứu nước.

 

2. Chị  Võ Thị Sáu

        Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933, quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị đã dũng cảm hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít tinh kỉ niệm Quốc khánh nước Pháp do ngụy quyền tổ chức, đã trực tiếp diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ Tết tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”…và những lời đối sắt thép đối với kẻ thù khi cáo buộc chị…tiếp đó là tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp!”. “Kháng chiến nhấtđịnhthắnglợi!”.
        Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo.

         Ngày 23-1-1952, chị Sáu bị Thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo, ngày ấy đã trở thành huyền thoại và là một ngày thiêng liêng của người dân trên đảo. Chuyện kể rằng: Khi tên chánh án quay ra đọc lệnh thi hành án thì Võ Thị Sáu bắt đầu hát, chị cất lời hát bài Tiến quân ca, Quốc ca Việt Nam. Giọng hát của chị thiết tha, trong trẻo, vút lên ngân vang trong gió sớm. Võ Thị Sáu không chú ý đến bọn đao phủ, chị vẫn hát và khi bảy nòng súng đen ngòm ngọ nguậy và tên đội trưởng đội hành quyết hô mục tiêu chuẩn bị thì chị ngừng hát và hô to: Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ Tịch muôn năm thì bảy tiếng súng chuệch choạc nổ. Võ Thị Sáu - người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi lời ca

       Có con người như chân lýsinh ra…


         Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam phấn đấu, học tập cả trong đấu tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Hơn nửa thế kỷ qua, ngày hy sinh của chị Sáu đã trở thành một trong hai lễ hội lớn nhất của huyện đảo Côn Lôn. Chị Sáu thân thương đã hóa thành bất tử, đã trở thành một huyền thoại gắn liền với đất trời Côn Đảo, đất trời Việt Nam.

      Côn đảo từ địa ngục trần gian của 113 năm nô lệ, nay đã là thiên đường, là điểm đến của tất cả mọi người, nơi có hòn đảo anh hùng với những người con bất khuất, có hai người Bà Phi Yến và Võ Thị Sáu, hai nữ liệt trung trinh của nước Việt thân yêu./

3. Anh hùng Tô Vĩnh Diện

         Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Đồng chí nhập ngũ tháng 7 năm 1949. Khi hy sinh, đồng chí là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Tô Vĩnh Diện sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. Suốt 12 năm đi ở, đồng chí phải chịu bao cảnh áp bức bất công. Năm 1946, đồng chí tham gia dân quân ở địa phương. Năm 1949, đồng chí xung phong đi bộ đội. Trong học tập công tác, đồng chí luôn thể hiện tinh thần gương mẫu đi đầu, lôi cuốn đồng đội noi theo. Trong hành quân chiến đấu, đồng chí đã cùng đồng đội bền bỉ vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 5 năm 1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Đồng chí Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1000 km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí luôn luôn gương mẫu làm mọi việc nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo tới đích an toàn. Trong lúc kéo pháo qua những chặng đường khó khăn nguy hiểm, đồng chí xung phong lái để bảo đảm an toàn cho khẩu pháo. Trong lúc kéo pháo cũng như lúc nghỉ dọc đường, Tô Vĩnh Diện luôn luôn nhắc đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ đường dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng cái dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những nguy hiểm bất ngờ xẩy ra. Kéo pháo vào đã gian khổ, hy sinh, kéo pháo ra càng gay go ác liệt, đồng chí đã đi sát từng người, động viên giải thích nhiệm vụ, giúp anh em xác định quyết tâm cùng nhau khắc phục khó khăn để đảm bảo thắng lợi. Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp và cong rất nguy hiểm. Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Ty xung phong lái pháo. Nửa chừng dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, đồng chí vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và đồng chí buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại.Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Tô Vĩnh Diện đã được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng nhất. Ngày 7 tháng 5 năm 1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

 4. Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân

           Nguyễn Viết Xuân sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc-một vùng quê có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lên 7 tuổi, Nguyễn Viết Xuân đã phải sống một cuộc đời đi ở kéo dài suốt 10 năm. Khi vừa tròn 18 tuổi, anh đã dũng cảm vượt vùng tạm chiến ra vùng tự do, xin đi bộ đội. Nhập ngũ tháng 11 năm 1952, lúc đầu, anh làm chiến sỹ trinh sát, rồi tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, sau làm chính trị viên đại đội. Bất kỳ ở cương vị nào, Nguyễn Viết Xuân cũng luôn nêu cao quyết tâm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, gương mẫu, xung phong đi đầu, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, anh đã cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, không ngại hy sinh, gian khổ, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch, giải phóng miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa và tiến hành cách mạng giải phóng miền Nam. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, đơn vị của Anh làm nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng. Bản thân, tuy sức yếu hơn so với đồng đội, song công việc nào được giao, dù nặng nhọc, vất vả, đồng chí vẫn phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1964 bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta, Nguyễn Viết Xuân với vai trò là một bí thư chi bộ, một chính trị viên đại đội pháo cao xạ, đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên quyết tiến công địch. Tiêu biểu là trận đánh địch ngày 18 tháng 11 năm 1964. Trong trận chiến đấu này, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng ChaLo thuộc miền tây tỉnh Quảng Bình. Ngay đợt đầu, 3 chiếc máy bay F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội Nguyễn Viết Xuân. Loạt đạn đầu tiên của khẩu đội 3 đã đón đánh chiếc đi đầu trong tốp, bọn địch đổi hướng tấn công và tập trung oanh tạc vào Khẩu đội 3. Cả trận địa nổ súng giòn giã, đánh trả quyết liệt lũ cướp trời, một chiếc trong tốp bay của địch trúng đạn bốc cháy, nhưng một chiếc khác đã phóng một loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc tỏ rõ khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Giữa làn bom đạn địch, tiếng hô dõng dạc của anh vang trên trận địa đã trở thành khẩu hiệu khích lệ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn đơn vị và trên khắp các chiến trường đánh Mỹ. Lưới lửa của đại đội vây chặt lũ máy bay Mỹ và một chiếc nữa lại phải đền tội. Trận chiến đấu vừa tạm dứt, anh đi khắp các khẩu đội để nắm tình hình động viên quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Máy bay địch lại ập đến, điên cuồng bắn phá trận địa của đại đội. Một lần nữa cuộc chiến đấu lại diễn ra khốc liệt tiếng máy bay của địch gầm rú trên bầu trời liên tiếp nhả các loạt bom xuống trận địa, anh bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải. Nhưng Nguyễn Viết Xuân vẫn thản nhiên bảo y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân, bỏ chân đi cho đỡ vướng. Đồng chí nói: “Tôi không việc gì” và căn dặn y tá không được cho mọi người biết. Và vẫn tỉnh táo theo dõi cuộc chiến đấu, biểu dương kịp thời những chiến sĩ và khẩu đội lập công. Sau trận chiến đấu ác liệt, anh chỉ định người thay thế, phân công người chăm sóc các đồng đội bị thương, bình tĩnh bàn giao cộng việc rất tỉ mỉ, rõ ràng. Trở về tuyến sau, vết thương quá nặng, máu ra nhiều, nguyễn Viết Xuân thấy mình khó qua được, anh đã bình tĩnh trao đổi nhiệm vụ với người thay thế, dặn dò cặn kẽ việc chấp hành Nghị quyết của Chi bộ và nêu một số đề nghị về công tác phát triển Đảng, Đoàn và khen thưởng trong đơn vị. Khi hy sinh, anh là thiếu uý, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, sư đoàn 325, Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tấm gương chiến đấu anh dũng quên mình vì nhiệm vụ của đồng chí được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị rất cảm phục, cả đại đội 3 đã dấy lên một cao trào thi đua, kiên quyết chiến đấu lập công, trả thù cho người chính trị viên yêu quý của mình. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Viết Xuân đã được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

 5. Người thiếu niên dũng cảm - Anh hùng Kim Đồng

         Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941). Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng. Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.

        Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.

      Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.

Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin. Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi. Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

          Ngày đầu tiên thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền mang bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn là Cao Sơn, Lý Văn Tịnh là Thanh Minh, Lý Thị Nì là Thủy Tiên và Lý Thị Xậu là Thanh Thủy; Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.

        Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập vào 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nước ta phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi để tập hợp vào tổ chức, hoà vào làn sóng cách mạng của cả dân tộc để đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng Tổ quốc. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (khóa I) đã đề cập đến tổ chức thiếu nhi và thiếu niên cách mạng Hồng nhi Đoàn và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách...

         Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần II đã quyết định thành lập Đoàn và tới Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết các lực lượng đánh Tây, đánh Nhật giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập và là thành viên của Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung "Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập".

          Ngày đầu tiên thành lập, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền mang bí danh là Kim Đồng, Nông Văn Thàn là Cao Sơn, Lý Văn Tịnh là Thanh Minh, Lý Thị Nì là Thủy Tiên và Lý Thị Xậu là Thanh Thủy; Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.

          Từ ngày ấy đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và được Đoàn phụ trách, Đội càng ngày càng phát triển. Theo từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và ngày 30/01/1970 thể theo nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

 

II. CÁC DANH NHÂN, DANH THẦN, DANH TƯỚNG HUYỆN GIA LỘC

1. Yết Kiêu

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, ông sinh ngày 13/2 Nhâm Dần (1242) trong một ngư dân nghèo ở ấp Hạ Bì, huyện Trường Tân, Phủ Hạ Hồng. Nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm ông lên 8 tuổi đã mồ côi cha. Hai mẹ con tần tảo nuôi nhau, mẹ bán hàng nước tại bến đò quê nhà.

Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông. Tương truyền, ông nhà nghèo, hằng ngày ông phải đi mò cua bắt ốc, bắt  đem bán lấy tiền đong gạo nuôi thân. Ông có sức khỏe và dũng cảm lạ thường. Một hôm thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, ông dùng đòn gánh phang, cả hai con trâu chạy biến xuống nước. Ông mới biết hai con trâu mình vừa đánh là trâu thần, sờ lại đầu đòn gánh thì thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt lấy, từ đó mà ông bơi lặn giỏi. Ông lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất và thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước.

Khi đất nước lâm nguy, giặc Mông Cổ phía Bắc lăm le muốn xâm lược nước Đại Việt (1258), Ông được tuyển vào thủy quân nhà Trần. Thời kỳ đó triều đình mở nhiều hội thi để tuyển chọn người tài, trong những hội thi đó có hội thi ở Vạn Kiếp. Lúc đó Đô Châu, một gia nhân của Trần Ích Tắc vô địch, không ai dám thách đấu. Bỗng từ dưới hàng quân tiếng reo hò vang lên. Người lính trẻ mới 17 tuổi Phạm Hữu Thế, đi lên võ đài. Đô Châu cười khẩy và lao thẳng vào Phạm Hữu Thế, định quật cho chết tươi. Ai ngờ đâu lại bị Phạm Hữu Thế nhấc bổng lên và cho lấm lưng, ngửa bụng. Đứng dậy Đô Châu quỳ lạy phục người lính trẻ có tài lại có đức. Sau hội thi đó Phạm Hữu Thế được Trần Hưng Đạo vời vào cho làm gia nô, sau trở thành danh tướng thủy quân tài giỏi được Hưng Đạo Vương đặt tên là Yết Kiêu – tên loài cá lớn Kình ngư. Yết Kiêu tướng tài trung nghĩa vẹn toàn, Hưng Đạo Vương thật sự quý trọng, tin cậy luôn giao cho Ông nhiều trọng trách lớn. Năm 1285 sau khi giặc Mông Cổ chiếm được Trung Quốc diệt nhà Tống, chúng ráo riết chuẩn bị quân để xâm lược Đại Việt, trả thù cho trận thua lần trước. Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo cử đi bảo vệ vua Trần cùng đoàn thuyền rồng xa giá hoàng tộc, sơ tán về Nam Định bằng đường sông. Trên đường đi gặp gió to, song lớn, nước sông chảy xiết làm đoàn thuyền rồng bị chao đảo như muốn chìm xuống lòng sông. Yết Kiêu nghĩ đoạn sông này có con Giảo Long luôn quậy phá để nhấn chìm các thuyền qua lại. Ông liền tâu lên vua xin cho được xuống sông tìm giết Giảo Long. Vua chuẩn tấu, Yết Kiêu miệng ngậm đoản đao lao xuống sông như cá Kình. Một lúc sau mặt sông loang máu, Yết Kiêu nhô lên mang theo đầu Giảo Long, Vua Trần cùng gia quyến hoàng tộc khen ngợi dũng tướng Yết Kiêu.

Ông cùng thủy quân nhà Trần chặn đánh đoàn thuyền của giặc do tướng Chiêm Thành tiến ra theo đường biển vào sông Hồng. Chúng định ép quân ta theo hai gọng kìm. Tướng giặc Thoát Hoan từ phía Bắc xuống, Toa Đô từ phía Nam tiến lên. Trận này thủy quân ta đại thắng, tiêu diệt toàn bộ cánh quân thủy ở Hàm Tử, Tây Kết. Tướng giặc Toa Đô bị chặt đầu trôi sông, Ô Mã Nhi cướp thuyền dân lẻn ra biển về nước. Chiến thắng ở Chương Dương, Vạn Kiếp buộc chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân khiêng về nước. Sau chiến thắng giặc Nguyên xâm lược lần thứ hai, Trần Hưng Đạo biết dã tâm của kẻ xâm lược thế nào cũng báo thù, Quốc Công cho chiêu mộ quân lính tích lũy lương thảo, tập luyện võ nghệ. Đặc biệt cho tướng Trấn Khánh Dư và Yết Kiêu đến giao nhiệm vụ tuyển chọn trai tráng quen nghề sông nước để huấn luyện  đội quân này thành thạo tinh thông võ luyện, bơi lặn, khoan thuyền. Yết Kiêu cùng Quốc Công đi thị sát vùng sông nước cửa sông Bạch Đằng nắm rõ quy luật thủy triều lên, xuống lập chiến thuật cắm cọc gỗ nhọn ở cửa sông Bạch Đằng như thời Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Xong xuôi cho lính vào rừng Yên Tử chặt gỗ Lim, đẽo nhọn đầu, bí mật cho cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đầu năm 1288 giặc Nguyên hoãn đánh Nhật Bản, chúng tập trung trên 50 vạn quân cùng lương thảo tiến đánh Đại Việt. Cánh quân bộ do Thái tử Thoát Hoan từ Lạng Sơn tiến xuống, cánh thủy binh do Ô Mã Nhi theo đường biển vào sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp. Quân giặc đi đến đâu, chúng đều gây tang tóc, phá phách vườn tược, đốt nhà. Chúng không cướp bóc được gì vì toàn dân đã thực hiện triệt để kế hoạch “vườn không, nhà trống” lần này chúng bố trí cho tướng Trương Văn Hổ chở trên 70 vạn hộc thạch từ Trung Quốc sang theo đường biển để có lương thực nuôi quân lâu dài. Đoàn thuyền chở lương của Trương Văn Hổ mới đến cửa biển Vân Đồn chờ cho nước thủy triều lên để vào sông thì đêm hôm đó đã bị đội quân thủy đặc biệt khoan thủng làm chìm nhiều thuyền, số còn lại bị tướng Trần Khánh Dư tập kích đánh cho tơi tả. Toàn bộ đoàn thuyền lương trên bị đánh chìm và đốt cháy hết. Tướng giặc Trương Văn Hổ vội trốn về Trung Quốc. Thoát Hoan và Ô Mã Nhi nghe tin mất đoàn thuyền lương thì hoảng hốt vô cùng bàn cách lui quân là thượng sách. Như thế chẳng đánh mà giặc đã tan, giặc lui đâu được dễ ràng, cánh quân bộ chạy đến đâu đều bị quân dân nhà Trần đuổi đánh cho tả tơi. Cánh quân thủy do Ô Mã Nhi rút theo đường sông ra cửa Bạch Đằng đi đến đâu cũng bị quân nhà Trần từ các cửa sông luồn lạch lao ra đánh quyết liệt. Khi đoàn thuyền giặc tháo chạy đến cửa sông Bạch Đằng, thủy triều xuống mạnh. Thời cơ đến, các thuyền quân ta từ chỗ mai phục lao ra cùng quân bộ trên bờ bắn tên tới tấp vào thuyền giặc buộc chúng không dám chống cự trèo thuyền cho nhanh để thoát ra biển. Nhưng những cọc gỗ đẽo nhọn ở cửa sông Bạch Đằng đã giữ chúng lại, cái bị thủng nhấn chìm, cái bị cọc giữ không nhúc nhích lên được. Quân Trần tha hồ chém giết. “Sử cũ ghi xác giặc trôi đầy sông, nước không chảy nổi”. Ô Mã Nhi khi trông thấy tướng Yết Kiêu oai phong lẫm liệt thì hồn bay phách lạc vội trói tay xin hàng. Chiến thắng Bạch Đằng 9/4/1288 đã làm tiêu tan mộng xâm lược của đế quốc Nguyên Mông xuống Đại Việt.

Ông mất ngày 28 tháng chạp năm Quý Mão (1303). Vua Trần cho dân ấp Hạ Bì, nơi sinh ra ông, lập đề thờ tôn ông là Thành hoàng, các triều đại Hậu Lê, Quang Trung, nhà Nguyễn tiếp theo ban nhiều sắc phong cho nhiều nơi trên mọi miền đất nước lập đền thờ ông. Đền thờ danh tướng Yết Kiêu còn có tên gọi là Đền Quát- ngôi đền nằm ở vị trí có địa thế đẹp, trước cửa đền phía Tây có con sông Đĩnh Đào uốn khúc như hình long cuộn sóng, phía Bắc, phía Nam, phía Đông là 3 hồ lớn gọi là lạch. Hàng năm thuyền về lễ hội đậu kín hồ. Đền được xây dựng trên khu đất cao ngay trên bến đò trước kia. Trong kháng chiến chống Pháp, đền là nơi họp của đội du kích. Từ đây du kích đã giật mìn đánh Pháp ở đầu làng năm 1948. Từ năm 1973 đến nay, nhân dân trong thôn, xã và nhân dân mọi miền đất nước góp công, góp của xây dựng lại 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung bằng cốt thép bê tông và gỗ. Trong Đền có nhiều hiện vật cổ quý như tượng đức thánh Yết Kiêu, khám hồng ngài ngự, tượng Công chúa triều Nguyên, khám hồng công chúa ngự, tượng chín nàng hầu, mõ cá, mõ cáo bằng gỗ có từ thời Hậu Lê. Hai voi chiến, hai ngựa chiến, ba nghê canh giữ đền, hai Phỗng quỳ, hai quan tả và hữu bằng đá hoa văn và còn nhiều đồ thờ tự khác như hoành phi câu đối, hạc thờ, bạch ngư mao, hương án…

Đền Quát được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 18/1/1988. Hiện nay có nhiều Phố, Phường, đường, trường học, khu vui chơi và thể thao trên mọi miền đất nước mang tên Yết Kiêu. Quê hương Ngài vinh dự được đặt tên là xã Yết Kiêu. Danh tướng Yết Kiêu- một nhân vật điển hình trong lịch sử với tinh thần quả cảm, trí thông minh, lòng nhân nghĩa, yêu nước tuyệt vời, luôn đặt lợi ích con người, nghĩa khí, quốc gia, cộng đồng lên trên lợi ích bản thân. Nhân dân và các thế hệ con cháu Yết Kiêu luôn tự hào về danh tướng đệ nhất Đô soái thủy quân, Trần triều hữu tướng, người làm rạng danh cho quê hương.

Ngày nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đền Quát đã và đang quy hoạch, trùng tu xây dựng toàn khu di tích đền thờ Ngài rộng trên 4 ha với nhiều hạng mục công trình, đến nay đã xong hệ thống tường bao khuôn viên, hồ, hậu cung và trung từ và đang chuẩn bị tiếp tục xây dựng hạng mục tiền bái. Hàng năm đến ngày 14,15,16 tháng Giêng và tháng Tám, nhân dân trong thôn, trong xã và nhân dân trên mọi miền đất nước về dự Lễ hội truyền thống (Tế - Lễ rước Ngài) và nhiều trò chơi dân gian song không thể thiếu được Hội đua thuyền chải truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công đức của Ngài.

 2. Nguyễn Chế Nghĩa

An Nghĩa Đại Vương sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi thế gia, ngay từ khi còn nhỏ đã biểu lộ là người có trí khí, lớn lên có sức khoẻ lạ thường. Học hành thông minh giỏi cả văn lẫn võ, tinh thông thiên văn, tỏ tường đạo lý và giỏi binh pháp lại thích ngâm vịnh làm thơ. Thực là một con người văn võ toàn tài trên đời hiếm có.

Thời Trần Nhân Tông, vào đầu năm 1285 giặc Nguyên Mông ỷ vào quân đông thế mạnh ồ ạt kéo sang nước ta xâm lược lần thứ hai. Vua Trần xuống chiếu tìm danh tướng. Lúc ấy, Nguyễn Chế Nghĩa mới 20 tuổi đã tiến thân dưới cờ Trần Hưng Đạo. Ông được cử cùng tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn quân tiếp ứng lên mặt trận Lạng Sơn trực tiếp chiến đấu với đại quân Thoát Hoan tại cửa ải Nội Bằng, Lữ Nhi kéo đến núi Kỳ Cấp dài hơn 100 dặm. Tuy giặc mạnh nhưng do tài chỉ huy khôn khéo, mưu lược của ông, lãnh đạo quân sĩ chiến đấu làm cho giặc tiêu hao tổn thất nặng nề và chậm bước đến kinh thành Thăng Long.

Tháng 2/1285 quân ta được lệnh rút về Trường Yên và Thiên Trường ông được bố trí ở lại tổ chức dân binh hoạt động sau lưng địch và bí mật lập trận từ Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đến Cư Xá (Hải Dương) ngăn chặn không cho giặc tràn xuống Lộ Hồng (Hải Dương cũ). Ông đã chỉ huy trận phục kích đầm lầy cạnh rừng đa (Gia Lâm) diệt gọn trên 300 tên giặc không tên nào chạy thoát. Sau đó vào cuối tháng 5/1285 theo lệnh của Trần Hưng Đạo người đã phối hợp với Trung Thành Vương diệt đồn Giang Khẩu, một vị trí quan trọng gần Thành Thăng Long. Khi giặc rút ông được phân công cùng tướng quân Trần Nhật Duật truy diệt hàng ngàn tên giặc trên sông Thiên Đức, nay là sông Đuống Hà Bắc.

Sau cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai toàn thắng, do có công lớn phò vua diệt giặc, ông được triều Trần phong chức "Khổng Bắc Tướng Quân"

Mặc dù bị thua trận ở Việt Nam quân Nguyên Mông vẫn không từ bỏ giã tâm xâm lược, giặc Nguyên Mông lại chuẩn bị một cuộc chiến xâm lược mới. Đầu năm 1288 chúng lại đem quân điên cuồng tràn qua biên giới ồ ạt tiến về hướng Thăng Long mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba. Ông được Hưng Đạo Vương cử làm Chánh tiên phong, cùng hai phó tướng là Hùng Thắng và Huyền Du đem quân liên tiếp đánh tan hai đạo quân do hai tướng giặc là Trịnh Bằng Phi và áo Lỗ Xích cùng hàng chục trận khác. Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa cùng Phạm Ngũ Lão đã đánh tan một cánh quân và chém chết tướng giặc là Trương Quân ngay cạnh ải Nội Bàng. Chiến tranh kết thúc ông được Vua trần tin yêu gả công chúa Nguyệt Hoa và tấn phong chức Phò mã Đô Uý.

Qua các triều đời Trần ông còn được phong thêm các chức vụ: Nội nhập thái uý, Thái tể, Nghĩa Xuyên Công, có lúc đứng đầu ban võ, có lúc kiêm cả lễ bộ Thượng thư và được cử đi xứ  sang Nguyên ba lần vào các năm Nhâm Tý (1302), Năm Tân Dậu (1321), Năm Tân Mùi (1331). Là Phò mã đứng dầu trong Hoàng thân quốc thích, nhưng người rất cương trực, được triều Trần tin phục. Khi được về bản quán lập Thái ấp Cối Xuyên trông coi Lộ Hồng, ông vừa chăm lo rèn luyện dân binh bảo vệ đất nước, vừa khai điền lập ấp khuyên dân chăm chỉ ruộng đồng, trồng dâu nuôi tằm, tu bổ đê điều, mở Chợ Cuối cho lưu thông hàng hoá, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, quê hương giàu đẹp.

Ngày 27/8/1341 ông bị gian thần mưu hại. Nhà vua Trần Dụ Tông đã cử Bộ lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức Vương giả và phong thần: An Nghĩa Đại Vương. Tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp của ông nhân dân địa phương, nhân dân Kiêu Kỵ và một số địa phương đã lập đền thờ và tôn ông là thần hoàng của làng. Đền Cuối, Khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989 ở làng Cuối, Thị trấn Gia Lộc.

3. Ông Phạm Trấn

Ông sinh năm 1523, không rõ năm mất, người làng Lam Kiều, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc).

Phạm Trấn là con cụ Phạm Trạch, nhưng mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, vì nhà nghèo, cha lại mất sớm lên phải đi ở đợ, chăn trâu, cắt cỏ, hàng ngày thả trâu ngoài bãi thường đến bên lớp học của một ông đồ nọ. Nhìn thầy đồ giảng bài, ông đứng ngoài cửa sổ nhìn vào nói “sai” thầy đồ quay lại hỏi “sai chỗ nào?” ông chỉ đúng chữ thầy giảng sai, thầy đồ ngây người chịu đứ. Lại một hôm mẹ cho đi chợ, ông trông thấy một người cầm roi đánh túi bụi vào một người khác, ông hỏi mẹ “làm sao mà cứ đánh người ta thế hả mẹ?. Mẹ ông bảo “người ta có học đánh người không có học” và ông nói với mẹ rằng: Thế thì mai con cũng đi học để người ta không đánh”. Mấy hôm sau mẹ ông tìm thầy đồ nọ xin được học, ông thầy thấy Phạm Trấn có vẻ thông tuệ hơn người, đã thông cảm nhận vào học và không lấy tiền. Từ đó Phạm Trấn càng học càng giỏi, vượt xa các trò khác rất nhiều, vì nhà nghèo không có đủ tiền mua giấy để viết, ông đi lấy tấm ván thôi rửa sạch mang về làm bảng viết chữ luyện văn.

Truyện kể lại rằng: “Ông và Đỗ Uông người ở làng Đoàn Lâm, thuở đi học, hai người là bạn đồng môn cùng học một thầy. Phạm Trấn là người trầm tĩnh, ngược lại Đỗ Uông rất hiếu thắng. Một hôm tối đến Đỗ Uông học bài, thấy có một bàn tay thò qua cửa sổ che tối đèn. Đỗ Uông đem chuyện đó nói với người nhà. Sau đó theo lời phù thủy thì nó là yêu tinh, nếu còn thấy nó đến quấy nhiễu thì dung chỉ ngũ sắc của thầy trói tay nó lại để trừ khử. Đến tối hôm sau yêu tinh lại thò tay qua cửa sổ che đèn, Đỗ Uông liền tóm chặt tay nó rồi lấy chỉ ngũ sắc trói vào song cửa, nó kêu khóc xin tha. Đỗ Uông liền nói, mi có gì giúp ta thì ta tha cho. Và nói rằng kỳ thi này ta có đỗ đầu không? Yêu tinh đáp: Trấn đỗ Trạng Nguyên, Uông đỗ Bảng Nhãn. Thế mi có giúp ta được gì? Yêu tinh liền nhả ra 1 hạt ngọc, Đỗ Uông nhận lấy nuốt vào bụng và tha cho yêu tinh. Từ đó Đỗ Uông ganh đua ra sức học tập và học rất giỏi. Đến năm Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo 2 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên, 2 người cùng đi thi, quả nhiên Phạm Trấn đỗ Trạng Nguyên, còn Đỗ Uông đỗ Bảng nhãn.

Truyện cũng kể rằng: Phạm Trấn là người trầm tĩnh, không tranh giành, lại kiên định. Mà Uông thì hiếu thắng, nhưng đến sau cùng không khỏi khuất phục.

Sau khi nhà Lê giành lại Triều nghiệp từ nhà Mạc, khôi phục nhà Lê. Trong lúc nhiễu nhương, "hỗn quân, hỗn quan" như vậy Đỗ Uông chấp thuận ra làm quan với nhà Lê, còn Phạm Trấn thì cáo quan về ở ẩn (người quân tử không thờ hai vua), nhưng ông không trở về quê cũ, mà tìm về vùng núi Bất Bạt đất Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây) mai danh ẩn tích và qua đời tại đây. Tương truyền, khi về ở ẩn tại làng Ngọc Nhị xã Cảm Đài (nay là xã Cẩm Lĩnh huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông đã sống gần gũi với bà con làm nghề chài lưới và đã vận động họ lên bờ làm ăn sinh sống, nghe theo lời khuyên bảo nhân dân vạn chài của làng Vô Khuy, Ngọc Nhị đã lên bờ khai phá vùng đất hoang để lập lên xóm trại và ông đã đặt tên là phường Đan Thê, dân kéo đến ở ngày càng đông. Ông là người đã có công mở trường dạy học, lập chợ gọi là chợ Dầy, mở bến gọi là bến Dầy để nhân dân trong làng làm ăn buôn bán. Phường Đan Thê còn có tên là làng Dầy. Sau này đổi tên là xã Đan Thê, tổng Thủ Pháp, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Ông đã bỏ tiền bạc mua sắm công cụ và hướng dẫn nhân dân canh tác, làm ăn, ông còn mang giống dưa chuột của quê hương, giống vải thiều Thanh Hà lên cho nhân dân trồng. Đến nay nhân dân ở Sơn Đà vẫn còn giữ giống dưa này, vải thiều Thanh Hà hiện nay vẫn còn được trồng nhiều ở vùng Đan Thê - Sơn Đà. Ông tạ thế ngày mồng 1 tháng Chạp năm Đinh Mão. Mộ phần của ông được xây ở bãi khu ngã tư hình tròn tam cấp. Năm 1949 giặc Pháp lấy đất làm sân bay và đã cho phu san ủi hết mồ mả, do đó phần mộ không còn. Vì có công lập làng giúp dân nên ông đã được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng Đan Thê và lập miếu thờ. Hiện nay, đền thờ Trạng nguyên Phạm Trấn được xây dựng gần trung tâm UBND xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc.

4. Danh tướng Đoàn Thượng

Danh tướng Đoàn Thượng sinh ngày 12/8/1181 năm Tân Sửu tại thôn Xuân Độ, xã Đoàn Dịch phủ Gia Phúc, sứ Hải Dương nay là thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là bậc trung thần dũng tướng triều Vua Lý Huệ Tông.

          Danh tướng Đoàn Thượng mồ côi mẹ năm ông 15 tuổi, mồ côi cha khi ông 19 tuổi. Đoàn Thượng cùng chung nhũ mẫu với vua Lý Huệ Tông, Hoàng đế Triều Lý. Đoàn Thượng là một người có sức khoẻ, sáng dạ, thông minh được lớn lên trong triều đình từ lúc còn bé lên được học hành đầy đủ, có lòng dũng cảm, quả quyết, thông minh. Ông đã thi đỗ và ra làm quan năm 23 tuổi dưới Triều vua Lý Cao Tông và được phong lên tước hầu. Vào năm 1217 ở thế kỷ 13 Triều Lý đang bị sa sút chính trị, hỗn loạn, thiên tai mất mùa đói kém liên miên. Trong khi đó Triều chính vẫn mải mê dong chơi. Không nghĩ gì đến đời sống của nhân dân, phó thác cho các quan nội chính lộng hành, thế nước ngày càng nguy lan, nghiêng ngả.

          Với Danh tướng Đoàn Thượng thì ngược lại, khi chứng kiến sự đói khổ của nhân dân thì tìm mọi phương kế để giúp Triều Lý thoát khỏi sự suy tàn để cứu nhân dân. Sau đó Danh tướng đã thoái vị về vùng đất Hồng Châu, nay thuộc tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng để lập ấp, lập làng, chống thù trong giặc ngoài xây dựng cơ đồ cứu nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than đói khổ. Trên 21 năm từ 1207 đến 1228 tên đất, tên làng của vùng đất Hồng Châu đã gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Danh tướng. Do vậy, đã có đôi câu đối trong Đền thờ ở Thị trấn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên, ca ngợi ngài:

"Vạn cổ anh thanh thảo mộc chi

Nhất thiên chính khí Sơn Hà Tại"

          Nghĩa là: "Tên tuổi anh hùng muôn đời cỏ cây đều biết đến chính khí một thời, núi sông còn lưu mãi".

          Trải qua những trận mạc oanh liệt vì nghĩa lớn. Trong một cuộc chiến không cân sức ngày 16/3 âm lịch năm 1228 ông đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tên tuổi của ông đã được lưu truyền tại quê hương xã Đoàn Thượng. Sau này nhà Trần xét công trạng của ông với Triều Lý đã truy phong ông là “Bảo quốc hộ dân nhất đẳng thần”. Sau khi ngài mất đã được nhân dân trong xã và vùng lân cận tôn kính, xây dựng lăng miếu thờ Danh tướng tại khu gò đất cao nhất vùng này. Chính nơi đây xưa gọi là "Mả vua Đống Rùa". Do thời gian biến thiên của lịch sử và chiến tranh tàn phá nặng nề phần lăng miếu thờ không còn nữa. Sau ngày 30/4/1975 khi nước nhà hoàn toàn giải phóng nhân dân trong xã tiếp tục tái xây dựng Đền thờ Danh tướng Đoàn Thượng. Đặc biệt, gần đây Đền thờ Danh tướng Đoàn Thượng đã được tôn tạo, xây dựng mới xứng với thân thế và sự nghiệp của Danh tướng. Hiện nay toàn bộ các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành, ngôi Đền chính với dáng vẻ uy nghi, cổ kính, toạ lạc giữa mảnh đất địa linh nhân kiệt, thiên thời, địa lợi, nhân hoà; thực sự là niềm tự hào của nhân dân xã Đoàn Thượng và huyện Gia Lộc.

5. Đoàn Nhữ Hài

Người làng Trường Tân, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương (nay là xã Gia Tân, huyện Gia Lộc).

Đời Vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long, ông theo học ở kinh sư, là người văn hay, chữ tốt nổi tiếng. Chuyện kể rằng: Sau khi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông, có một lần Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường về kinh, đi xem các cung điện bất chợt gặp vua Trần Anh Tông còn say rượu nằm ngủ. Thái Thượng hoàng giận lắm, sai xa giá trở về ngay Thiên Trường rồi xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai phải đủ mặt ở Thiên Trường. Trần Anh Tông tỉnh dậy biết Thái Thượng hoàng đã tới mà mình không biết, sợ quá bèn tới chùa Tư Phúc cầu Phật cứu nạn. Trên đường tới chùa thì gặp nho sĩ Đoàn Nhữ Hài, biết ông là người học rộng, tài cao liền nói: “Ta vì quá chén đắc tội với Thái Thượng hoàng, người hãy thảo cho ta một tờ biểu tạ lỗi”. Đoàn Nhữ Hài vâng mệnh thảo ngay biểu tạ tội. Trần Anh Tông tức tốc lên đường về Thiên Trường và cho Đoàn Nhữ Hài cùng đi theo ngay trong đêm. Đến sáng sớm đã tới phủ, Trần Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài vào dâng biểu lên Thái Thượng hoàng, nhưng vì tức giận nên Thái Thuợng hoàng không tiếp, ông cứ quỳ mãi ở sân phủ. Tới chiều tà, trời đổ mưa to, gió lớn nhưng ông vẫn quỳ. Tới lúc này, Thái Thượng hoàng hỏi: “Người quỳ ngoài sân có còn ở đó không?”, quan Thái giám tâu rằng: “Người đó vẫn quỳ từ sáng tới giờ”. Thái Thượng hoàng động lòng cho phép đăng biểu. Đọc biểu thấy rằng: lời lẽ khẩn khoản, thống thiết bèn gọi cho Trần Anh Tông vào, bảo: “Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi, Trẫm còn sống mà còn thế, về sau thì thế nào?”. Trần Anh Tông cúi đầu tạ tội. Thái Thượng hoàng hỏi: “Người dâng biểu là ai?”, Trần Anh Tông thưa: “Là người học trò, tên Đoàn Nhữ Hài”.

Thái Thượng hoàng cho gọi ông vào và bảo rằng: “Nhà ngươi sọan biểu hợp ý Trẫm lắm” và khen là người có tài, cần được trọng dụng. Sau khi hồi cung, vua Trần Anh Tông trong lòng cảm phục, chọn ông làm người tâm phúc và phong cho ông chức Ngự sử trung tán, lúc bấy giờ ông mới 20 tuổi.

Sau đó ông được thăng làm Tham Tri chính sự. Năm Hưng Long thứ 12 (1304) ông được coi việc Viện khu mật. Năm Hưng Long thứ 15, nhân đổi hai châu: châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hoá, ông được vua cử tới hai châu tuyên chỉ ý vua, sắp đặt đội ngũ quan lại, cấp ruộng đất, xá tô thuế yên định dân. Năm Hưng Long thứ 20, ông theo vua đi đánh Chiêm Thành, làm chức Chiêu dụ sứ, Ông đã lập mưu dùng trại chủ Câu Chiêm dụ chúa Chiêm quy hàng.

Năm 1312, ông được cử đi sứ sang Chiêm Thành. Trước khi đi ông có buổi yết kiến Thái Thượng hoàng ở chùa Sùng Nghiêm. Thái Thượng hoàng đã cùng ông đàm đạo đến quá buổi mà không biết. Thái Thượng hoàng nói với tả hữu rằng: Nhữ Hài là một học trò giỏi đáng được quan gia sai khiến. Khi đi sứ tới Chiêm Thành, theo tục của Chiêm Thành sứu đến, phải lạy chúa Chiêm trước, rồi mới đọc chiếu. Nhưng khi ông vào chầu, ông đã đi thẳng tới án thờ đặt tờ chiếu lên rồi chắp tay lạy. Thâm ý lạy tờ chiếu là lạy vua nước mình chứ không phải lạy chúa nước Chiêm. Khi trở về, ông được vua và quần thần khen ngợi, phục tài nhanh trí trong việc ứng xử ngoại giao của ông.

Tháng 9 năm 1335 Đoàn Nhữ Hài là chỉ huy quân Thần vũ và Thần Sách, kiêm chức kinh lược đại sứ Nghệ An. Lúc này, có loạn giặc Ai – Lao. Ông được cử làm Đốc tướng chỉ huy ba quân đi dẹp giặc. Trong trận này, Đoàn Nhữ Hài đã tử trận. Sau đó ông được truy phong làm Thượng đẳng phúc thần.

Hiện nay, ông được nhân dân thờ tại Đình An Tân, xã Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương. Đình An Tân đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991.

6. Đỗ Quang

Đỗ Quang còn có tên là Đỗ Tông Quang, sinh ngày 25/9 năm Đinh Mão (1807) tại làng Phương Điếm, nay thuộc Thị trấn Gia Lộc. Ông sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi khoa bảng. Ông nội và thân phụ đều đậu tú tài, từng làm quan, làm thầy giáo một thời.

Đỗ Quang từ nhỏ đã thể hiện là một người thông minh, hiếu học. Năm 18 tuổi (1825) đỗ tú tài, năm 22 tuổi đỗ cử nhân. Ông là một người sớm được bổ nhiệm quan chức. Năm 1829, ông được sung chức Hành tẩu Bộ Binh. Năm 1830, ông cai quản lần lượt ở 3 huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Bình Chánh (nay là Lệ Chánh). Năm 1831, làm sơ khảo trường thi hương tại Thừa Thiên. Trong 4 năm thực thi nhiệm vụ của Triều đình về giáo dục, quân sự, chính trị ông vẫn không dời đèn sách. Khoa Nhâm Thìn, năm 1983 ông lại lều chõng đi thi và đỗ Tiến sỹ (vào thời Nguyễn, sĩ tử Bắc Hà thi cử rất khó khăn, trước hết là trường thi đại khoa đã chuyển vào Huế rất xa xôi, đường trường hiểm trở, khó khăn; thứ hai, khi đó triều đình không mấy mặn mà với sĩ tử Bắc Hà. Khóa này chỉ có 8 người đỗ bảng chính, trong đó có Đỗ Quang). Sau khi đỗ Tiến sỹ, ông được bổ nhiệm chức Biên tu ở Viện Hàn Lâm, ít lâu sau chuyển về làm Biên tu ở Sở Thực Lục. Tháng 2/1834 ông giữ chức Tri phủ Diễn Châu (Nghệ An). Tháng 6/1836 thăng chức viên ngoại Bộ công và tháng 9 năm đó lại thăng Án sát tỉnh Quảng Trị. Năm sau, thăng Hàn Lâm học sĩ, trực học sĩ biên tu, tham gia biên soạn 2 cuốn: Đại Nam thực lục tiền biên và Ngọc Điệp. Từ năm 1835-1847, lần lượt giữ các chức vụ: Tri phủ Diễn Châu, Án sát tỉnh Quảng Trị, công bộ thị lạng, giám khảo trường thi Gia Định, thăng chức lang Trung, sung vào ban Tuyển quyển của Triều đình, làm giảng quan, duyệt quyển thi Đình, thăng thự Tham tri Bộ Lễ…

Năm 1848, ông làm tuần phủ Định Tường, một vùng đất không chỉ xa xôi, ngàn trùng cách trở mà còn xa lạ với phong tục tập quán quê hương ông, nhưng 8 năm nhận chức ở đây ông mang hết tài năng và tình cảm của mình chăm lo đời sống nhân dân. Thương dân nghèo vì thiên tai mà đói khổ, ông tự giảm thuế cho dân, vì thế mà thất thu 300 quan tiền và 100 lạng bạc, bị vua Tự Đức cách chức, phạt tội trượng đồ. Khi phúc tra, ông được minh oan, trong sở phúc tra có đoạn viết: “Đỗ Quang làm quan thanh bạch, liêm khiết, nhân dân kính trọng như cha, bình thường sao được như thế. Xin miễn tội để nâng đỡ người liêm khiết”. Ông được phục chức, làm Bố chánh Nam Định. Năm 1858, ông được thăng Quang lộc tự khanh, làm giảng quan ở Kinh đô.

Tháng 9/1858, thực dân Pháp tấn công nước ta tại Đà Nẵng, tháng 1/1859 tấn công thành Gia Định, quan quân nhà Nguyễn bỏ chạy. Lúc đó, Triều đình chia làm 2 phe: chủ chiến và chủ hòa, Đỗ Quang đứng về phe chủ chiến. Năm 1860, ông làm tuần phủ Gia Định, cùng với thống tướng quân vụ Nguyễn Tri Phương phối hợp đánh giặc. Trong 2 trận địch chiến, quân triều đình, tiêu diệt hàng trăm tên địch, được trọng thưởng.

Suốt 2 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đỗ Quang cùng Trương Định chiêu mộ binh sĩ, phát triển thế lực, tích lương, đúc súng, đẩy mạnh hoạt đông từ Gò Công, Tân An đến Chợ Lớn, từ duyên hải lên biên giới Khơ Me. Ông trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, tiêu diệt hàng ngàn quân Pháp.Tiếc rằng, trong lúc phong trào kháng chiến của nhân dân ta dâng cao và giặc Pháp đang lúng túng thì thì Triều đình Huế tỏ ra bạc nhược, ký hòa ước dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Trương Định bị điều nhận chức lãnh binh tỉnh An Giang còn Đỗ Quang bị triệu hồi về kinh làm tham tri Bộ Hộ, sung chức tuần phủ Nam Định. Ông uất ức không chấp nhận mệnh lệnh của triều đình. Đỗ Quang dâng sớ từ quan.

Với tấm lòng của người làm quan tự xét mình, Đỗ Quang trân trọng và coi là thiêng liêng và vô cùng quý báu những tình cảm tốt đẹp của nhân dân đã dành cho ông. Đỗ Quang quyết định từ quan. Thà làm trái lệnh vua chứ không thể phụ lòng yêu thương và tin cậy của nhân dân. Sớ dâng lên không được chuẩn y, Đỗ Quang buộc phải đến nhiệm sở nhưng không còn lòng dạ nào làm quan được nữa. Ít lâu sau, ông cáo ốm, xin về quê dưỡng bệnh và chăm sóc mẹ già. Nhưng không được lâu, ông lại bị triệu hồi gắt gao về kinh, miễn cưỡng nhận chức tham tri Bộ Hộ, tham tri Bộ Binh, tham tán quân vụ Hải An (Hải Dương – Quang Yên), tuần phủ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, mỗi nơi làm việc được ít thời gian ngắn rồi ngã bệnh nặng. Ông được phép về nghỉ ở quê và ngày 7/8 năm Bính Dần (1866), ông mất tại quê nhà. Triều đình Huế vô cùng thương tiếc. Vua Tự Đức có sắc dụ tưởng niệm ông và truy tặng “Tư thiện đại phu, Lễ bộ Thượng thư và ban tên thụy là Trang Lượng”.

Kính trọng đức, tài và công trạng của ông đối với đất nước, nhân dân Phương Điếm đã soạn văn tế, lập bài vị phối thờ ông tại đình Phương Điếm. Đình Phương Điếm và mộ danh nhân Đỗ Quang được Bộ Văn hóa thông tin quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 05/9/1989.

7. Lê Thanh Nghị (06/3/1911- 16/8/1989)

Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 06/3/1991, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Từ năm 1925 đến năm 1930, đồng chí làm thợ điện ở nhà máy điện Cửa Cấm (Hải Phòng), nhà máy điện Cọc Năm (Hòn Gai- Quảng Ninh). Khi thất nghiệp đồng chí đi làm công nhân ở mỏ than Vàng Danh (Quang Ninh). Từ năm 1928, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào công nhân ở mỏ Vàng Danh, Cọc Năm rồi Hồng Gai, chống ách áp bức của bọn đế quốc và chủ mỏ.

Đồng chí đã tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 5/1930, bị thực dân Pháp bắt và bị chúng kết án tù chung thân đầy đi Côn Đảo. Dưới chế độ nhà tù hà khắc, đồng chí được các chiến sĩ cách mạng lỗi lạc học trò của Nguyễn Ái Quốc đào tạo, bồi dưỡng những hiểu biết về chủ nghĩa xã hội khoa học, học tập văn hóa, ngoại ngữ ...

Giữa năm 1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân ở Pháp lên cầm quyền, đồng chí được ân xá đưa về quê quản thúc. Đồng chí tìm cách liên lạc với các cán bộ của Đảng hoạt động bí mật ở Hà Nội, Hải Phòng. Đồng chí xin vào làm ở nhà máy nước Ninh Giang để có điều kiện gắn bó với công nhân. Đồng chí tham gia, xây dựng các hội Ái Hữu, Nghiệp đoàn, tổ chức cơ sở Đảng và tham gia Thành uỷ Hà Nội.

Cuối năm 1937, được cử về hoạt động cách mạng ở Hải Dương, giữa năm 1939 đồng chí tham gia Ban cán sự liên tỉnh uỷ B (gồm các tỉnh vùng Duyên hải, vùng Đông Bắc) do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư và sau đó công tác ở xứ uỷ Bắc Kỳ.

Đầu năm 1940, bị thực dân Pháp bắt và bị chúng kết án 5 năm tù, đầy đi Sơn La. Đầu năm 1945, ra tù trở về Hà Nội, được Đảng chỉ định vào Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Sau ngày 09/3/1945, đồng chí được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở chiến khu Hoàng Hoa Thám và được cử vào Uỷ ban quân sự Bắc Kỳ phụ trách chiến khu II. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí là Xứ uỷ viên phụ trách miền Duyên hải.

Trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc (1946-1954), đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt phong trào ở Liên khu III. Giữa năm 1946, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ uỷ, tháng 12/1946, Bí thư khu uỷ III và Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu III. Đầu năm 1948 đồng chí là Phó Bí thư Liên khu uỷ III, cuối năm giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 1949, đồng chí làm Phó Bí thư Liên khu uỷ III.

Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trực tiếp làm Bí thư Liên khu uỷ, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Chính uỷ Bộ tư lệnh Liên khu III, năm 1953-1954 kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Cuối năm 1954, đồng chí làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 1955, làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10/1956, đồng chí được Trung ương cử vào Bộ Chính trị.

Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp; năm 1967 được phân công kiêm Trưởng ban Công nghiệp Trung ương Đảng. Từ năm 1974-1980, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

Tháng 12/1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đầu năm 1980, đồng chí làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 7 năm 1981, đồng chí được Quốc hội khoá VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Từ tháng 03 năm 1982 đến tháng 12 năm 1986, đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước.

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí trên mảnh đất quê hương – thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Công trình toạ lạc trên khuôn viên có diện tích 1.500m2 ở vị trí trung tâm xã Gia Khánh. Tổng diện tích xây dựng là 182m2. Công trình được thiết kế xây dựng theo kiểu chữ Đinh, chồng diêm cổ các, lối kiến trúc truyền thống với các mái ngói cong và nhiều hoạ tiết quen thuộc ở các đình chùa Việt Nam thuở xưa, vừa tạo vẻ trang nghiêm vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Công trình đã trở thành biểu tượng đẹp về lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc với đồng chí Lê Thanh Nghị.

           ANH HÙNG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH CỦA HUYỆN GIA LỘC

1. Anh hùng LLVT liệt sĩ Lê Gia Đỉnh

Đồng chí Lê Gia Đỉnh sinh năm 1920, quê quán thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Là chiến sĩ cảm tử Trung đoàn Thủ đô, khi hy sinh đồng chí là chính trị viên.

Ngày 20/12/1946, quân Pháp tập trung lực lượng gồm 300 lính bộ binh có 8 xe tăng, 10 xe thiết giáp, 2 pháo 74 ly và một số xe Jeep gắn đại liên từ Đồn Thủy tiến công vào Bắc Bộ Phủ hòng bắt một số cán bộ Trung ương của ta. Xe tăng địch húc đổ rào sắt, bộ binh địch tràn vào, các chiến sĩ cảm tử quân của ta đánh trả quyết liệt. Trước sự tiến công điên cuồng của địch, chính trị viên Lê Gia Đỉnh cho bộ đội rút sang hầm bên để bảo toàn lực lượng, một mình anh ở lại chặn địch. Khi xe tăng và bộ binh địch tiến vào, Lê Gia Đỉnh ôm bom ba càng lao vào đập kíp bom vào xe tăng địch. Lê Gia Đỉnh đã anh dũng hy sinh. Tấm gương chiến đấu xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đo của đồng chí đã được Liên khu 1 tặng danh hiệu “Người quyết tử quân số 1 của Liên khu”.

Ngày 28/4/2000, đồng chí Lê Gia Đỉnh được Đảng, Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí mãi mãi là niềm tự hào của quê hương, để các thế hệ noi theo.

2. Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Văn Cờ

Sinh năm 1940, quê ở làng Cẩm Đới, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, là người con ưu tú đầu tiên của huyện được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Vì có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi vẻ vang, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang ngày 14/12/1973. Hiện nay, đồng chí đang sinh sống tại quê, tuy là một thương binh, tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí luôn mẫu mực là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

3. Nhân chứng lịch sử

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, 11 giờ 30 phút, trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do đồng chí đại úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy, đồng chí Nguyễn Văn Tập là lái xe cùng hai chiến sĩ đã húc đổ cánh cổng dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa. Trên chiếc xe 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập có 4 cán bộ, chiến sĩ trong đó có hai người con của quê hương Gia Lộc.

3.1. Đồng chí Vũ Đăng Toàn

Sinh năm 1947, quê quán xã Yết Kiêu – Gia Lộc, nhập ngũ ngày 10/4/1965, cấp bậc: Đại úy, Chính trị viên Tiểu đoàn 4, lữ đoàn 203, quân đoàn 2 là người chỉ huy chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 mở đường cho quân ta chiếm lĩnh sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 1/12/1975 đồng chí Nguyễn Đăng Toàn đã được Chủ tịch Hội đồng cố vấn – Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba.

Ngày 4/12/1975 đồng chí đã được Chủ tịch Hội đồng cố vấn – Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất.

Ngày 10 tháng 10 năm 1979 đồng chí được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Huân chương chiến công hạng Ba.

Ngày 8 tháng 4 năm 1985 đồng chí được Chủ tịch nước Trường Chinh tặng Huân chương kháng chiến hạng Hai.

3.2. Đồng chí Nguyễn Văn Tập

Sinh năm 1951, quê quán xã Hoàng Diệu – Gia Lộc, nhập ngũ ngày 11 tháng 6 năm 1970, cấp bậc: Trung sĩ lái xe, đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203, quân đoàn 2, là người lái xe tăng mang biển số hiệu 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 mở đường cho quân ta chiếm lĩnh sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng hòa, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 26 tháng 8 năm 1975 đồng chí được Chủ tịch Hội đồng cố vấn – Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhì vì đã có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chống Mỹ cứu nước.

Ngày 01 tháng 12 năm 1975 đồng chí đã được được Chủ tịch Hội đồng cố vấn – Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì.

Ngày 9 tháng 10 năm 1989 đồng chí được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

Ngày 20 tháng 4 năm 2012 đồng chí được Ban liên lạc ban chiến đấu mặt trận đường 9 Quảng Trị B5 tặng Kỷ niệm chương “Tham gia chiến đấu phục vụ chiến đấu”. Đặc biệt đồng chí đã được Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử Vinh danh vì đã có đóng góp xuất sắc trong chặng đường 20 năm.

                         Phần 2:  MỘT SỐ ĐỊA DANH LỊCH SỬ

  1.  Địa danh Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng - một ngọn núi đá vôi với độ cao 1.468m so với mực nước biển, cách huyện lỵ Đồng Văn 24km, cách thành phố Hà Giang 154km. Đỉnh đầu Lũng Cú này đã tồn tại cùng với sự hình thành dải đất thiêng chữ S, là niềm tự hào của dân tộc trong công cuộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ. Sử sách cũng đã ghi lại chính nơi này, Lý Thường Kiệt đã cho treo một lá cờ khi ông hội quân trấn ải biên thùy và từ đó, nơi đây được người dân coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ. Những người già ở đây cũng nói, sau khi treo cờ, Lý Thường Kiệt cho chon một hòn đá tảng đế đánh dấu chủ quyền. Sau này, Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó mà đặt trống báo cầm canh. Năm 1887, khi thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh tiến hành phân giới cắm mốc đã có ý định cắt phần đất này cho phía Trung Quốc. Nhờ sự đấu tranh bảo vệ kiên cường của nhân dân nên mảnh đất biên cương được giữ vững và hình dáng đất nước vẫn liền một dải chữ S như ngày nay. Năm 1978, Đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, treo lá cờ 1,2m2. Trong suốt những năm tháng chiến tranh và đến mãi sau này, lá cờ luôn được các chiến sỹ bộ đội biên phòng và nhân dân các dân tộc nơi đây duy trì, bảo vệ.

Năm 2000, tỉnh Hà Giang cho xây dựng cột cờ tại vị trí ngày nay cũng là vị trí treo lá cờ khi xưa. Cột cờ được khởi công xây dựng vào tháng 4 và hoàn thành vào tháng 12 năm 2001. Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn đã tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp cột cờ quốc gia Lũng Cú mới ngay tại vị trí cũ vào ngày 8/3/2010. Sau 196 ngày thi công, cột cờ quốc gia Lũng Cú đã hoàn thành, lễ cắt băng khánh thành vào ngày 25/9/2010.

Cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn. Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng, với lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu đang phấp phới bay nơi mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc khiến cho những ai đặt chân lên cột cờ Lũng Cú đều dâng lên những cảm xúc dạt dào về tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ý nghĩa thiêng liêng của địa danh Cột cờ Lũng Cú - mảnh đất địa đầu Tổ quốc vô cùng thiêng liêng và là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, về hình thể của đất nước Việt Nam mà cực Bắc là Lũng Cú và cực Nam là đất mũi Cà Mau.

2 - Mũi Cà Mau

Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thảm rừng tram bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài, nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (giáp tỉnh Bạc Liêu), lịch sử phát triển vùng đất mũi Cà Mau gắn liền với việc khai hoang của các cộng đồng lưu dân người Kinh, Hoa, Khmer. Tên gọi Cà Mau xuất phát điểm từ cách đồng bào Khmer gọi tên vùng đất này là “TưK Kha-mau”, có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Bức tranh của sự phát triển vùng đất mũi Cà Mau không thể không kể đến nét văn hóa trong nếp sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng cư dân nơi đây. Đến xóm Mũi, nơi có mỏm đất doi ra ngoài biển ở cực Nam Tổ quốc mới thấy đời sống cư dân nơi đây vô cùng văn hóa. Cái văn hóa đậm chất phóng khoáng của người dân Nam Bộ được thể hiện một cách tự nhiên. Người dân ở xóm Mũi từ bao đời nay vẫn sinh hoạt ngay dưới mái nhà của mình - mái nhà dưới tán rừng Đước mờ.

Gần 300 năm trước, ông cha ta đã băng rừng, vượt biển mở mang bờ cõi. Từ một tên đất chỉ được gọi và ghi nhớ trong ký ức của mỗi người, nay vùng đất Cà Mau mang trong mình hơi thở của sức trẻ. Mỗi ngày một lớn thêm hơn không chỉ về tốc độ phát triển các ngành dịch vụ mà thực chất vùng đất Mũi ngày nay mỗi năm cũng vươn ra biển vài chục mét. Chúng ta, những lớp hậu bối cần phải trân trọng giữ gìn những giá trị đủ để khi lần giở những trang sử cũ mà giật mình, cố gắng học tập để biết được công sức của người xưa mà trân trọng hơn, yêu quý hơn vùng đất này để luôn thấm thía lời thơ của nhà thơ Xuân Diệu đã ca ngợi “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”.

          MỘT SỐ ĐỊA DANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

   1. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn TrãiTrần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên ĐánPháp LoaHuyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa "Thiên Tư Phúc Tự" trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun, xưa là một công trình kiến trúc vĩ đại gồm 385 pho tượng, từng là quần thể nguy nga với 83 gian, gạch đỏ, ngói để men màu. Đến nay chùa vẫn giữ lại được những ngọn đá chạm cánh sen và một số ngói mũi hài đời Trần. Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm. Bên suối Côn Sơn có phiến đá gọi là Thạch Bàn mà xưa Nguyễn Trãi đã ngồi nơi đây làm thơ. Đi về phía hạ nguồn, theo ven suối Côn Sơn sẽ thấy được đền thờ Nguyễn Trãi là một quần thể kiến trúc khá đẹp gồm cầu đá, cổng đá, tam quan, điện thờ,… Ngoài ra, còn có đền thờ vị thần Trần Nguyên Hãn và đền Trần Nguyên Đán.

Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ðền thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Ðạo, phu nhân, 2 con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Ðẩu và 4 bài vị thờ 4 con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Ðạo (ngày 20 tháng 8 Âm lịch) để tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc.

Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ - TTg công nhận Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc là Di tích quốc gia đặc biệt. Những giá trị lịch sử, văn hóa của Côn Sơn- Kiếp Bạc, cùng với danh thơm, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân đã tỏa rọi hào quang vào lịch sử văn hóa dân tộc. Sự linh thiêng của đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn tồn tại vĩnh hằng cùng non sông đất nước.

                    Cuộc đời, sự nghiệp thầy giáo Chu Văn An

Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1292) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc Thành phố Hà Nội.

Thuở nhỏ Chu Văn An sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành ông đạt đến mức thông minh, bác sử, danh lợi không màng, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Tuy có tài năng nhưng ông không quan tâm đến chốn quan trường mà ở nhà đọc sách, dạy học. Ông dựng nhà tại quê ở Huỳnh Cung, thôn Văn làm trường học tập. Học trò xa gần nghe thấy thầy An, kéo đến học rất đông, trong số đó có nhiều người hiển đạt, giữ được đức thanh liêm, như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, nên mới ngoài 20 tuổi đã được vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm Tư Nghiệp Quốc tử giám, dậy Thái tử học tập. Học trò của ông nhiều người làm quan lớn trong triều.

Trần Dụ Tông, học trò của ông, lên làm vua (1341) ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, nhiều lần ông khuyên vua sửa trị, nhưng không nghe, ông liền dâng sớ chém 7 tên nịnh thần, gây tổn hại cho Quốc gia, đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý, đương thời gọi là THẤT TRẢM SỚ,  vua vẫn bỏ qua không xem xét. Ông trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Về đây, ông đặt cho mình một cái tên mới: Tiểu ẩn - ví như một tiểu phu, ẩn dật trong rừng.

Tuy Chu Văn An ở chốn lâm tuyền nhưng tấm lòng vẫn đau đáu vận mệnh Quốc gia và triều đình vẫn không quên một nhân tài mẫu mực. Khi triều chính có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế ông đều tâu bầy thẳng thắn, hy vọng giữ vững kỷ cương, làm cho quốc thái dân an, thể hiện một nhân cách lớn. Vua thường cho người mang lễ vật đến nhà ban tặng. Ông thường từ chối và nếu có nhận, lại đem chia cho mọi người. Sau vụ biến loạn Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông lên ngôi (1370), ông đã mừng, tuy đã cao tuổi, vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gì ông cũng không nhận. Sau lễ bái yết, ông trở lại nhà riêng ở Phượng Hoàng, rồi mất tại đó vào ngày 26 - 11 năm Canh Tuất (1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, Thuỵ là Khang Tiết và tôn thờ tại Văn Miếu, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sỹ ở nước ta. Học trò làm nhà bên mộ đến cả năm, tế lễ để tỏ lòng thương nhớ thầy. Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất.

Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê đã mở trường dạy học, vì nổi tiếng mà được mời lên kinh đô làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám - Hiệu trưởng của trường đại học nước nhà đương thời, dậy Hoàng tử và đào tạo học trò thành những người công khanh có tài, khi lui triều vẫn dạy học. Ông không chỉ là thầy giáo của đương đại mà còn là tấm gương sáng cho thầy giáo của muôn đời. Cuối đời ông có làm thơ, viết sách, nghiên cứu y dược, nhưng sự nghiệp chính vẫn là giáo dục.

Sau khi Chu Văn An qua đời, tại nơi ông làm nhà dạy học và sống những năm tháng thoái triều đã được dựng đền thờ giản dị. Núi Phượng Hoàng - Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, thờ người thầy giáo mẫu mực muôn đời - nơi đó một thắng cảnh  hùng vĩ, nhưng tĩnh lặng, đẫm chất thơ, văn và tâm đức sáng ngời của một nhân tài. Đền thờ thầy giáo Chu Văn An hiện nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đó có rừng thông, bạch đàn  bạt ngàn xanh thẫm, suối nước trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính, với 72 ngọn... Đúng vào dịp kỷ niệm 707 năm ngày sinh của danh nhân 25/8 năm Kỷ Mão (1999), tại khu di tích đã làm lễ khánh thành điện Lưu Quang và lễ đón nhận Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia.

Người đã làm sáng ngời về đạo học, đạo làm thầy, người đã đắp nền móng cho nền giáo dục nước ta bằng tâm đức và chính cuộc đời của mình đã làm vẻ vang cho nền giáo dục của nước nhà, là tấm gương để chúng ta soi chung, mỗi người chúng ta phải sống tốt hơn, học tập tốt hơn để  xứng đáng với đạo học và nghiệp làm thầy như thầy Chu.

                            

 2. Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa nhưng vào thời nhà Mạc đã được bốn lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền ở tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; hiện tại nằm ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Tại miền Bắc Việt Nam Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên gọi là xứ Đông. Đây là vùng “đất học” vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người Hải Dương đã tham dự và hiển đạt, như danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Văn miếu Mao Điền, được xếp hạng di tích lích sử Quốc gia năm 1992. Nơi đây thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của tỉnh Hải Dương. Địa danh Mao Điền theo văn bia ghi lại mang ý nghĩa: Mao là cỏ lau, Điền là ruộng cấy. Như vậy, từ xa xưa Mao Điền là một vùng đất bằng phẳng có nhiều cỏ lau.

Văn miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, Phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Công trình gồm 5 gian Bái đường và 3 gian Chính Tẩm đặt trên một gò đất cao. Đồng thời, Văn miếu là trường thi Hương của trấn Hải Dương, được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Hai công trình này nằm cách nhau khoảng 1 km theo đường chim bay.

Đầu thế kỷ XVI, do Thăng Long bất ổn về chính trị nên nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại trường thi Mao Điền. Trong đó có khoa thi Ất Mùi năm Đại Chinh thứ 6 (1535), Trấn Hải Dương có Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nổi tiếng Thủ khoa cả ba kỳ thi: Hương - Hội - Đình, được triều đình phong tặng Trạng nguyên.

Đến thời Tây Sơn (1788 -1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi Hương (nay là Văn miếu Mao Điền và cánh đồng Tràng). Quy mô công trình rộng tới 10 mẫu (3,6 ha). Văn miếu xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục : Bái đường, Hậu cung mỗi toà 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị ( ), Đông vu, Tây vu, gác khuê văn, gác Chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên Quang tinh và Khải thánh thờ thân Phụ và thân Mẫu của Khổng Tử. Các hạng mục được quy hoạch cân đối và đẹp mắt. Việc tế lễ và học tập diễn ra rất đông vui. Hàng năm vào ngày "Đinh" (T) đầu tháng "trọng xuân" (tháng Hai) và "Trọng thu" (tháng tám), Trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu Trấn, đầu phủ cùng cử nhân, Tiến sỹ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống "Hiếu học và tôn sư, trọng đạo" của người tỉnh Đông.

Văn miếu và trường thi trấn Hải Dương có một lịch sử vẻ vang. Tại đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 - 1919), cả nước có 2.898 tiến sỹ thì trấn Hải Dương có 637 vi, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có l2 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có " Lò tiến sỹ xứ Đông" thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ nho học qua các thời kỳ lịch sử. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị Đại khoa đều mang hết tài năng của mình để xây dựng đất nước.

Trong thời đại phong kiến, hệ thống cơ sở thờ tự Khổng Tử và tôn vinh các Đại khoa nho học được xây dựng ở hầu hết các địa phương. Tại Kinh đô và các trấn (lộ, xứ) có các văn miếu , còn các làng xã có các Văn chỉ. Tuỳ theo sự học phát triển mà các địa phương xây dựng Văn miếu, Văn chỉ với các quy mô khác nhau.

Văn miếu Mao Điền tồn tại khá nguyên vẹn tới năm 1947, đến năm 1948, giặc Pháp chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Do năm tháng và chiến tranh, vào những năm 1980 - 1990, Văn miếu Mao Điền bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Năm 1991, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đã đóng góp công sức tu bổ cấp thiết di tích. Năm 1992, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 97/QĐ-VH xếp hạng Văn miếu Mao Điền là di tích lịch sử quốc gia.

Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.

                                                                                                                                                                    Người viết tin bài                           

                                                                                                                                                       Ban biên tậpTrường TH Nhật Tân

                                                                              

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

VĂN BẢN TỪ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đang load thông tin...
Đang load thông tin...
LIÊN KẾT WEBSITE
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIA LỘC
Địa chỉ: Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - Điện thoại: 02203.716.536
Trưởng phòng:
Đăng nhập